(HCM.VN) – Dường như tất cả những gì tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đều được khơi dậy và hội tụ nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi tinh hoa của dân tộc được kết hợp với chủ nghĩa Mác – Lênin, đỉnh cao của tư tưởng loài người trong thời đại mới.
Trong số những nhà cách mạng vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một “đặc biệt” – Người được vinh danh kép: Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Dù là ai và ở đâu, nếu đã từng một lần được gặp thì đều thấy từ Chủ tịch Hồ Chí Minh hiển hiện đúng bóng dáng một nhà Nho xứ Nghệ, rất Cộng sản song cũng rất Oasinhtơn, Lincôn của châu Mỹ, Lênin của châu Âu, Nêru, Găngđi của châu Á và cũng rất Hồ Chí Minh đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Vì vậy mà, “những người trên thế giới này, ngay trong một nước cũng như từ nước này sang nước khác, có bao nhiêu điều không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau về cảnh ngộ sống, về trình độ hiểu biết, về xu hướng chính trị, xã hội hay tôn giáo; nhưng miễn là không phải bọn áp bức bóc lột, bọn xâm lược và tay sai của chúng, thì mỗi người đều có thể thấy ở cuộc chiến đấu và cuộc sống của Hồ Chủ tịch, những điều mà mình hàng ngày mong mỏi, những giá trị tinh thần mà mình thiết tha, những mục tiêu mà mình khao khát muốn vươn tới”[1].
1. Hành trình vạn dặm tìm đường và đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, cho nhân loại cần lao
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên khi đất nước đã rên xiết dưới ách thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân. Yêu nước, thương dân, khát khao lớn nhất của Người là “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” và đó chính là động lực để người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, bôn ba tìm đường cứu nước. Trên cuộc hành trình xuyên qua các đại dương và các châu lục, khảo nghiệm thực tế và nỗ lực hoạt động cách mạng để “tìm đường đi cho dân tộc theo đi” đó, Người đã dừng chân ở cảng Mácxây, cảng Lơ Havơrơ (Le Havre) của Pháp; dừng lại ở những bến cảng của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Xênêgan, Rêuyniông… qua Máctiních (Martinique) (Trung Mỹ), Urugoay và Áchentina (Nam Mỹ) và dừng lại ở nước Mỹ cuối năm 1912. Cuối năm 1913, Người sang Anh, làm thuê ở khách sạn Đraytơn Cơớc, đại lộ Đraytơn, khu Oét Ilinh (Drayton Court, Drayton Av., West Ealing) và sau đó làm phụ bếp ở khách sạn Cáclơtơn (Carlton), phố Hây Makét ở Luân Đôn…
Cuối năm 1917, Người quay trở về Pháp, từng ở phố Sarôn (Charonne); ở nhà số 10, phố Xtốckhôm (Stokholm); ở nhà số 56 phố Mơxiên lơ Pơranhxơ (Monsieur le Prince); ở nhà số 6, phố Vila đê Gôbơlanh (Villa des Gobelins); ở nhà số 12, phố Buyô; nhà số 9, ngõ Côngpoanh (Compoint); nhà số 3, phố Mácsê đê Patơriácsơ và lao động kiếm sống bằng nhiều nghề như làm thuê cho một hiệu ảnh, khi thì vẽ thuê cho một xưởng đồ cổ mỹ nghệ Trung Hoa…
Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc rời Pháp sang Liên Xô, tham dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân tháng 10/1923; dự và học xong lớp ngắn hạn tại Đại học Phương Đông; làm cán bộ của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản tháng 4/1924; dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 17/6 đến 8/7/1924; dự Đại hội lần thứ III Quốc tế Công hội đỏ tháng 7/1924; dự Đại hội Quốc tế Cộng sản Thanh niên và Hội nghị của Tổ chức Quốc tế Cứu tế đỏ (MOPR)…
Tháng 11/1924, Người về Quảng Châu, Trung Quốc, xúc tiến thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở các lớp huấn luyện cán bộ, ra Báo Thanh niên ngày 21/6/1925, để chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở Trung Quốc, sau đó, Người từng bị giam cầm trong nhà tù ở Hương Cảng (1931-1933); từng hoạt động trong Bát lộ quân, sống và làm việc ở nhiều tỉnh Cam Túc, Thiểm Tây, Quảng Tây, Quế Lâm, Côn Minh… (1938- 1940); bị giam cầm trong lao tù ở Quảng Tây, Trung Quốc (1942-1943)…
Trên hành trình dài, với rất nhiều chặng đường gập ghềnh này, Người không chỉ tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn theo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin mà còn truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam; sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và soạn thảo Chánh cương vắt tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt… của Đảng, được Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua (Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng) mà còn cùng Trung ương Đảng xây dựng các lực lượng cách mạng; quy tụ, tập hợp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi và lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…
Sau đó, với vị thế một nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang thăm nước Pháp với vị thế “thượng khách” từ 31/5 đến 20/10/1946; đi thăm các nước Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ tháng 6/1955; thăm Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Tiệp Khắc, Ba Lan, Cộng hoà dân chủ Đức, Hunggari, Nam Tư, Anbani, Bungari và Rumani tháng 7/1957; Mianma, Ấn Độ và Inđônêxia tháng 2/1958; dự Lễ kỷ niệm lần thứ 43 Cách mạng Tháng Mười Nga. Sau đó dự và ký Tuyên bố chung tại Hội nghị đại biểu 81 Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế họp ở Mátxcơva tháng 11/1960…
Cũng trên hành trình đó, khởi đầu từ ý muốn “đi ra nước ngoài, xem nước Pháp”, “muốn làm quen với nền văn minh Pháp”, để “muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau”/những gì đã làm nên sức mạnh và văn minh của phương Tây – nơi sản sinh những tư tưởng lớn, những cuộc cách mạng lớn và “sau khi xem xét họ làm như thế nào… sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”[2], Người đã có những năm tháng lao động kiếm sống đầy vất vả và hoạt động sôi nổi trong phong trào Việt kiều, phong trào công nhân ở nước Pháp. Trong những năm tháng đó, dù cảm nhận được ý nghĩa cao đẹp trong khẩu hiệu: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của Đại cách mạng Tư sản Pháp 1789, song với những khảo nghiệm của bản thân mình, Người nhận định rằng, với thắng lợi của cách mạng tư sản, không có tự do cho những người nô lệ, không có sự bình đẳng giữa các màu da và cũng không có lòng bác ái cao cả giữa những kẻ thống trị và những người bị thống trị…
Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, vì độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc, Người đã lựa chọn đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, đã không chỉ tìm thấy ở học thuyết cách mạng, khoa học, hiện đại này con đường và biện pháp để cứu nước, cứu nhà; lý tưởng và mục tiêu phấn đấu (độc lập dân tộc lập và chủ nghĩa xã hội) cho nhân dân Việt Nam mà còn tìm thấy từ đó phương pháp làm việc khoa học, biện chứng và những điều kiện cần thiết (đối với các dân tộc thuộc địa) để thực hiện mục tiêu “tự giải phóng” khỏi ách thống trị của áp bức và cường quyền. Đặc biệt, cái cốt lõi, cái làm nên nét độc đáo đã hấp dẫn Người khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn không chỉ là lý luận về cách mạng vô sản, về xây dựng Đảng kiểu mới, về xây dựng lực lượng cách mạng, về nhà nước, về chủ nghĩa xã hội… mà còn là ở đạo đức của người cộng sản. Đó chính là, mỗi người cộng sản đều coi hạnh phúc của mỗi người là được đấu tranh cho hạnh phúc của mọi người và điều đó thể hiện rõ nét ở mục tiêu của cuộc đấu tranh như: Đoàn kết tất cả những người bị áp bức, đấu tranh phá hủy xã hội cũ của bọn bóc lột, giải phóng triệt để giai cấp vô sản và nhân dân lao động bị áp bức trên toàn thế giới, xây dựng một xã hội mới “dân chủ ngàn lần hơn dân chủ tư sản”.
Suốt hành trình tận tâm tận lực hoạt động cách mạng, đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hoà bình trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn liền với phẩm chất cao quý của người cộng sản trong thời đại mới, mà biểu hiện rực rỡ nhất là tình đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung. Thống nhất trong suy nghĩ và hành động, mỗi việc Người làm đều gắn bó chặt chẽ với lý tưởng cao đẹp: Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người của hành động, hành động rất thiết thực trong cuộc đấu tranh giải phóng, vì độc lập, tự do của đất nước mình, nhân dân mình, của các dân tộc và nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc; trong việc góp phần giữ gìn tình đoàn kết giữa các dân tộc và giữa các Đảng Cộng sản anh em, trên cơ sở “trung thành với những nguyên tắc cao cả của chủ nghĩa quốc tế vô sản, thể hiện mối liên hệ qua lại khăng khít và biện chứng giữa tính dân tộc và tính quốc tế”[3].
Vì thế, Người không chỉ vạch đường, chỉ lối, đoàn kết nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc mà còn kiên định thực hiện khẩu hiệu nổi tiếng “Vô sản các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”, để tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Và cũng vì thế, tư tưởng, sự nghiệp, phong cách của Người trên những chặng đường lịch sử không chỉ in sâu trong trái tim, khối óc mỗi người dân Việt Nam mà còn trở thành những miền ký ức không thể xóa nhòa trong tâm trí của bạn bè quốc tế.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh “tinh hoa, khí phách của dân tộc Việt Nam” trong tâm trí bạn bè quốc tế
Trong suốt cuộc đời mình, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, ở vị trí nào thì Hồ Chí Minh cũng vẫn là một Người luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm, luôn giản dị mà trí tuệ trong đời thường cũng như khi đang tranh đấu, luôn khiêm nhường và sẵn sàng quên mình cho hết thảy. Là một người đã từng đi qua nhiều gian khó, đã trải qua mọi tình huống phức tạp, nguy hiểm và căng thẳng, song Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng sáng suốt, để có những quyết định đúng đắn; để không chỉ kiên định với mục đích vĩ đại và duy nhất là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà còn góp phần vào sự nghiệp giải phóng nhân loại cần lao. Đồng chí Gớthôn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mỹ khẳng định rằng: “Đồng chí Hồ Chí Minh là một lãnh tụ thế giới vào lúc lịch sử loài người đang ở bước ngoặt có tính chất cách mạng nhất; Đồng chí là một nhà kiến trúc và tạo hình làm nên quá trình cách mạng thế giới. Người am hiểu một cách vô cùng sáng suốt phương hướng và mục tiêu của quá trình đó. Người biết rõ động lực và sức mạnh của nó”[4].
Đó cũng chính là một Hồ Chí Minh luôn yêu thương, bao dung, trí tuệ, bản lĩnh và nhiệt huyết cống hiến không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà cho tất cả loài người. Lý tưởng đấu tranh cho độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, cho nhân loại cần lao; đạo đức, phong cách của một người cộng sản, một vị lãnh tụ gần dân, thân dân đã không chỉ làm nên sự hài hoà, lấp lánh cho cuộc đời, sự nghiệp của Người mà còn tỏa ra, hoà nhập, chiếu sáng trong nhân gian. Sự hòa quyện đó đã làm cho sự kết hợp giữa chính trị với pháp luật, đức trị và pháp trị trở nên dung dị, “soi sáng chính trị từ bên trong”; làm cho Người trở thành biểu tượng rực rỡ nhất trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do và những quyền làm người cho tất cả mọi người lao động.
Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân, cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Vì thế, không chỉ yêu Tổ quốc và nhân dân mình, Người còn luôn mơ ước, phấn đấu cho một xã hội tốt đẹp, hoà bình và hạnh phúc cho tất cả những người cùng khổ. Lịch sử thế giới hiện đại từng chứng kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh – “Người ấy là một phần của lịch sử châu Á”; đã hết sức nhã nhặn, lịch sự và quyến rũ, đã biến tướng Valuy của nước Pháp thành một người bạn hữu nghị của mình. Lịch lãm và khôn khéo, quyết đoán và tỉnh táo trong khi xác định “đồng minh”, Người đã khiến hai sỹ quan tình báo Mỹ -OSS là Sáclơ Phen và Asimét Patty cùng tướng Sênôn mặc dù biết Hồ Chí Minh là một người cộng sản vẫn giúp đỡ thuốc men, vũ khí; vẫn không khỏi đi từ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng trước một người cộng sản Việt Nam không chỉ am hiểu lịch sử mà còn rất yêu nhân dân Mỹ. Vì thế, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, vì độc lập, tự do, vì hoà bình và tiến bộ xã hội do Người lãnh đạo đã được nhân dân thế giới đồng tình, ủng hộ, cổ vũ và noi theo. Dù là bình sinh hay khi đã đi xa, thì Người vẫn luôn “được yêu mến, khâm phục và kính trọng trên toàn thế giới”[5], bởi vì “tuy thuộc nhân dân Việt Nam, Người vẫn thuộc vào gia tài của nhân loại, cái gia tài của mọi dân tộc yêu tự do, giải phóng đã phải tiến hành đấu tranh chống lại ách thực dân hay đế quốc”[6].
Dường như tất cả những gì tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đều được khơi dậy và hội tụ nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh/nơi tinh hoa của dân tộc được kết hợp với chủ nghĩa Mác – Lênin, đỉnh cao của tư tưởng loài người trong thời đại mới. Trái tim Người, cho đến hơi thở cuối cùng, vẫn dành để cống hiến cho mọi người, cho dân tộc và cho nhân loại, nên mỗi khi nói về những cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trong thế kỷ XX, loài người sẽ mãi mãi nhớ đến nhà yêu nước vĩ đại Hồ Chí Minh, nhớ đến người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giành chiến thắng những kẻ áp bức; đồng thời, làm thức dậy trong trái tim các dân tộc những tình cảm, sự kỳ vọng vào tự do, bình đẳng, bác ái giữa các dân tộc. Vì vậy mà, dù đang sống trong một thế giới đầy lo âu và biến động; dù “trong thế giới ngày nay có khác biệt và xung đột, nhưng được gặp Bác Hồ, chúng ta sung sướng được thấy lòng tốt của con người… tình bạn, lòng nhân ái sẽ vượt qua tất cả”[7].
Là Người đứng đầu Đảng và Nhà nước, trong những hoàn cảnh nhạy cảm của tình hình quốc tế, đặc biệt khi giải quyết mối quan hệ “nhạy cảm” Việt – Trung – Xô trong thập niên 1960, tiếng nói chân thành xuất phát từ mong muốn đoàn kết và thái độ không khoan nhượng của Người để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, bảo vệ tình đoàn kết quốc tế vô sản đã chiếm được lòng tin của bạn bè quốc tế. Hồ Chí Minh, con người và nhân cách vĩ đại đã từng được một nhà lãnh đạo lão thành của Đảng Cộng sản Pháp thành kính suy tôn là “một hiền nhân”; được J. La Cutuya trong tác phẩm “Bác Hồ”, tại sao gọi thế?” đã thừa nhận rằng: “Danh tiếng quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, uy tín của Cụ, sự kính trọng của mọi người đối với Cụ trong các giới cộng sản ngoài nước và trong phần lớn các nước “Không liên kết”, đọc thấy rõ ràng. Một người như Nêru đã coi Cụ là bạn… Cụ đã được bao quanh bởi một sự cảm phục khiến các chiến sĩ nước ngoài xúc động”. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, N. Khơrútsốp lại viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Mỗi lời nói của Ông hình như dựa vào niềm tin là về nguyên tắc tất cả mọi người cộng sản đều là anh em cùng giai cấp, họ chỉ có thể tỏ ra trung thực và chân thành với nhau thôi. Hồ Chí Minh quả thực là một trong “các vị thánh của chủ nghĩa cộng sản”[8].
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp trong bài viết “Người đồng chí, người bạn của chúng ta”, đăng trên báo L’Humanité đã khẳng định: “Tất cả những người tiến bộ, tất cả những người có thiện ý sẽ mãi mãi trông vào tấm gương của ông, tấm gương về chủ nghĩa yêu nước không khoan nhượng gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa quốc tế vô sản, tấm gương về nhà lãnh đạo cộng sản biết giúp đỡ nhân dân nước mình tìm ra những con đường riêng tới chủ nghĩa xã hội, tấm gương về con người chói ngời sự sáng suốt và sự khiêm nhường. Đối với mỗi người Việt Nam và đối với hàng triệu người khác ông là “Bác Hồ” rất mực đáng yêu, đáng kính”[9]. Không chịu tác động bởi thời gian và không gian, ký ức, sự ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh trải dài suốt hành trình Người đã đi qua, đã đến và từng ở lại; và cũng không chỉ thuộc về hiện tại, Hồ Chí Minh là một con người của tương lai. Từ Người không chỉ toả ra nền văn hoá của tương lai mà còn toả ra, sáng lấp lánh những phẩm cách đẹp đẽ nhất mang tên “của Hy vọng”. Nói như Blaga Đimitrôva thì, trong tương lai, “niềm hy vọng cũng có nhiều tên gọi khác nhau, song ở Việt Nam niềm hy vọng được tượng trưng là Chủ tịch Hồ Chí Minh”[10] và “nếu Việt Nam là lương tâm của thời đại chúng ta thì cụ Hồ Chí Minh là tác giả của lương tâm đó”[11].
Mỗi khi nói về Hồ Chí Minh, những người đã từng một lần được gặp gỡ Người, đều có chung một nhận xét: Điểm đặc biệt làm nên một Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam trong thế kỷ XX, chính là sự nhất quán giữa cuộc đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với cuộc đời thường vô cùng bình dị, nhân ái mà bao la tình người với hết thảy. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ giản dị trong đời sống, Người còn giản dị trong tác phong, trong mỗi lời nói, bài viết và trong từng cách xử thế, dù người đối diện là chính khách, lãnh đạo một quốc gia, đồng chí, người dân, con trẻ hay là cả những người từng ở bên kia chiến tuyến. Bởi thế, tất cả mọi người đều cảm thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người “như mình, gần mình, của mình” và dù rất ít khi muốn nói về mình, thì thiên thần thoại cuộc đời Hồ Chí Minh vẫn hấp dẫn tất cả, vẫn đậm sâu trong trái tim và khối óc của mỗi người.
Một Hồ Chí Minh đã hiến dâng cả cuộc đời vì sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc mình, vì sự nghiệp giải phóng, tiến bộ và hòa bình của mọi người ở khắp nơi trên thế giới với tâm hồn thanh cao là biểu hiện một sự dung hợp tất cả những phẩm chất tuyệt vời của một người cộng sản – vị lãnh tụ nhân dân trong thời đại mới. Mang trong mình chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc, Hồ Chí Minh không chỉ khởi xướng cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở các nước thuộc địa trong thế kỷ XX mà còn hết lòng, hết sức đóng góp cho một tình đoàn kết quốc tế trong sáng, cho nền hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới. Và trong thực tế, rất hiếm người “đạt tới sự thống nhất hài hoà giữa chủ nghĩa nhân đạo và tầm cao chính trị, giữa đức tính giản dị, khiêm tốn và sự hiểu biết sâu rộng, giữa tình cảm ấm áp và nghị lực phi thường đến mức tuyệt vời như Bác Hồ. Được gặp Người, quả thật là một điều sung sướng, vinh dự, một diễm phúc trong đời”[12]. Vì vậy mà, “Hồ Chí Minh là một con người truyền thuyết; một con người của thời đại Người và của mọi thời đại… Hồ Chí Minh không phải là ký ức của quá khứ, Người là tất cả và là nhân cách của một ý thức và giá trị của một tư tưởng như biểu tượng của một tư tưởng sống, sống động như đã thực tế sống trong suốt 79 mùa xuân của Người”[13].
Thế giới có thể đổi thay, song trên những chặng đường lịch sử Người đã đi qua, đã nỗ lực cống hiến, thì “trong trái tim của mọi người và trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là một trong những nhân vật vĩ đại nhất của thời đại chúng ta. Đấu tranh trong nửa thế kỷ, Người đã làm cho cuộc cách mạng giải phóng của nhân dân nước Người trở thành biểu tượng của tự do, công lý và hoà bình trên thế giới. Tinh thần cao cả của Người đã khiến cho ngay cả những kẻ thù địch với Người cũng phải kính trọng, khâm phục, và hơn ai hết, Người đã tập hợp được chung quanh tên tuổi của Người những cuộc đấu tranh và những niềm hy vọng của những người bị áp bức trên khắp trái đất, của nam, nữ thanh niên, của tất cả mọi người bất kỳ thuộc tín ngưỡng và lý tưởng nào đã lên tiếng phản đối chiến tranh, bạo lực và chủ nghĩa đế quốc”[14]. Cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai thì, “bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”[15] đúng như Rômét Chanđra, Chủ tịch Hội đồng hoà bình thế giới đã khẳng định./.
- * Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
- [1] Phạm Văn Đồng: Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa khí phách của dân tộc, lương tri của thời đại, Báo Nhân dân, 19/5/1970
- [2]Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.13
- [3] Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Nxb. Lao Động, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr.114
- [4] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, t.I, tr. 78
- [5]Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.41
- [6] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.42
- [7] Trích lời phát biểu của thủ tướng Ấn Độ Nêru trong tiệc chiêu đãi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 7/2/1958 khi Người sang thăm Ấn Độ
- [8] N. Khơrútsốp, Hồi ký, xuất bản 1971, bản dịch lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, tr.59
- [9] Tài liệu lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh, ký hiệu: H29C8/12
- [10] Blaga Đimitrôva: “Hồ Chí Minh niềm hy vọng lớn nhất” trong cuốn sách “Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh”, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 1985, tr.23
- [11]Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Nxb. Lao Động, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr.36
- [12]John Stern: Bác Hồ như chúng ta đã biết, Nxb.Thanh Niên, Hà Nội, 1985, tr.56
- [13]Melba Harnandez (Cu Ba): Lời tựa cuốn sách “Chúng bắt đầu bằng sự chém giết của M.A.D. Estifano vàJose M.Galego”, Bản dịch, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1990
- [14] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, t.II, tr.99
- [15] Báo Nhân Dân, ngày 21/5/1980.
Nguồn:https://hochiminh.vn/
TS. Văn Thị Thanh Mai
TS. Đinh Quang Thành*