Thể theo ý nguyện thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, trong phiên họp sáng 29/11/1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã bàn và quyết định: Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.
Đảng và Nhà nước ta quyết định xây dựng lăng của Người tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Lăng Bác là một công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghi; lăng cao 21,6 mét, bề mặt rộng 31 mét. Hai cánh gà mở ra hai phía.
Phần dưới Lăng lát đá hoa cương mầu sẫm gồm ba tầng, tầng trên nhỏ hơn tầng dưới, hình thành một tam cấp đồ sộ. Nét độc đáo của kiến trúc dân tộc đã tạo cho Lăng một thế đứng vững chãi, trang nghiêm.
Phần mái Lăng cũng hình thành một tam cấp nhẹ nhõm, thanh thoát với những đường vắt chéo, làm cho mái Lăng vừa mang những nét gọn gàng, giản dị của kiến trúc hiện đại, vừa phảng phất dáng vẻ mềm mại, uyển chuyển của mái cong kiến trúc dân tộc cổ truyền.
Dưới mái Lăng, bốn phía đều có các hàng cột cao, to bằng đá hoa cương màu xám bạc.
Sáng 29/8/1975, Đảng và Nhà nước đã tổ chức lễ trọng thể khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đưa Người về an nghỉ mãi mãi ở nơi đây, giữa trái tim của toàn dân tộc
Bên trong bốn hàng cột trang nghiêm là bốn bức tường đá hoa cương đỏ màu son: đó là căn phòng yên nghỉ vĩnh cửu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau 700 ngày đêm lao động của cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên xây dựng Lăng, và đặc biệt là có sự giúp đỡ bằng sức người và sức của của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô, chúng ta đã vượt qua trăm nghìn gian khó xây dựng nên ngôi nhà vĩnh hằng của Bác.
Sáng 29/8/1975, Đảng và Nhà nước đã tổ chức lễ trọng thể khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đưa Người về an nghỉ mãi mãi ở nơi đây, giữa trái tim của toàn dân tộc.
Việc xây dựng Lăng của Người có sự giúp đỡ nhiệt tình của Chính phủ Liên Xô. Từ ngày 9-23/1/1970, Chính phủ Liên Xô đã cử một đoàn gồm 7 cán bộ sang Việt Nam để bàn về việc thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ trong một tuần, các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã soạn thảo xong bản “Dự thảo nhiệm vụ thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.”
Ngày 19/10/1970, bản dự thảo đã được thông qua tại phiên họp Bộ Chính trị.
Trong hơn một tháng, tập thể kiến trúc sư, kỹ sư và cán bộ kỹ thuật của Việt Nam đã hoàn thành phương án “thiết kế sơ bộ” của Lăng.
Từ ngày 19/3 đến ngày 6/5/1970, một đoàn cán bộ gồm ba kiến trúc sư Việt Nam đã mang bản “thiết kế sơ bộ” sang tiếp tục làm việc với bạn. Dựa trên những phương án đã có của hai đoàn, một phương án chung có tăng cường các giải pháp kỹ thuật phù hợp với môi trường khí hậu nhiệt đới của Việt Nam đã được hình thành. Bản thiết kế này được đặt phiên hiệu là công trình 75808.
Cũng trong thời gian này, rất nhiều thư từ mọi miền Tổ quốc và của cả Việt kiều ở nước ngoài gửi về bày tỏ nguyện vọng được đóng góp, kiến nghị và thiết kế Lăng. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định lùi việc duyệt bản “thiết kế sơ bộ” lại 4 đến 5 tháng để tổ chức một đợt sáng tác các mẫu thiết kế Lăng và trưng bày các mẫu sáng tác đó, lấy ý kiến tham gia của nhân dân.
Sau khi đợt sáng tác mẫu được phát động, từ cuối tháng 5/1970 đến cuối tháng 8/1970, Ban tổ chức đã nhận được hơn 200 phương án thiết kế khác nhau của 16 đơn vị, ngành và nhiều cá nhân gửi tới. Ban tổ chức đã chọn ra được 24 phương án có nhiều ưu điểm và tổ chức trưng bày tại 5 địa điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La và Nghệ An. Tổng cộng có 745.487 lượt người tới thăm và 34.022 người tham gia ý kiến.
Sau 10 ngày kết thúc đợt triển lãm mô hình Lăng, bản “thiết kế sơ bộ” tổng hợp ý kiến nhân dân đã được đoàn cán bộ mang sang Liên Xô làm việc với các chuyên gia.
Ngày 9/2/1971, tại Moskva, “Hiệp nghị giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa XôViết về việc Liên Xô giúp đỡ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc giữ gìn thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người được đại diện của hai Chính phủ là Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nôvicốp ký kết.
Ngày 3/11/1971, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định chính thức thành lập Ban phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng ngày, Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã ký quyết định thành lập Ban chỉ huy công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 31/12/1971, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã ký quyết định phê chuẩn bản “thiết kế kỹ thuật.”
Ngày 5/2/1972, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chính thức phân công nhiệm vụ cho các bộ, các ngành, các địa phương tham gia xây dựng công trình 75808, trong đó hai lực lượng nòng cốt là Bộ Kiến trúc và Bộ Quốc phòng.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định lấy ngày 2/9/1973 là ngày khởi công và ngày 2/9/1975 là ngày hoàn thành, đưa công trình vào hoạt động.
Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ là bên A của công trình (bên chủ quản công trình sau khi xây dựng xong) và phụ trách lắp ráp toàn bộ thiết bị bên trong công trình. Bộ Tư lệnh công binh đã thành lập một trung đoàn cho việc thi công lắp ráp, lấy tên là trung đoàn 259B (hay là Đoàn Ba Đình).
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định lấy ngày 2/9/1973 là ngày khởi công và ngày 2/9/1975 là ngày hoàn thành, đưa công trình vào hoạt động.
Đêm 18/6/1973, toàn bộ mặt bằng công trường bắt đầu được quây kín, sẵn sàng thi công.
Ngày 2/9/1973, lễ khởi công xây dựng Lăng Bác được tiến hành.
Sau 60 ngày đêm làm việc liên tục, công đoạn đào móng Lăng đã hoàn thành.
Ngày 30/10/1974, công trường hoàn thành mẻ bêtông cuối cùng ở nóc Lăng.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình văn hóa, nghệ thuật, phần công việc trang trí và hoàn thiện chiếm hơn một nửa thời gian xây dựng. Phần công tác này đòi hỏi trình độ kỹ thuật và mỹ thuật rất cao.
Nhìn từ ngoài Lăng, cũng như đi sâu vào bên trong, người xem dễ nhận thấy toàn bộ khối Lăng chủ yếu được kết cấu, trang trí bằng đá.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đã gửi tặng Việt Nam hai vạn miếng đá hoa cương và cẩm thạch mài nhẵn.
Ngày 1/11/1974, viên đá đầu tiên được ốp vào công trình Lăng.
Sau khi viên đá đầu tiên được ốp ở phòng khách, hàng loạt bức tường khác đã được ốp đá, mỗi phòng, mỗi tường có những quy cách khác nhau tạo dáng phong phú đa dạng, phù hợp với ánh sáng, mầu sắc, hài hòa với bố cục chung. Mặt ngoài của Lăng được ốp bằng đá hoa cương mầu xám đậm, tạo vẻ tôn nghiêm thành kính. Chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh” trên nóc lăng được ghép bằng đá ngọc Cao Bằng. Cửa chính của Lăng được ốp bằng đá đen bóng.
Hai phòng khách và lối ra lễ đài, các nền và bậc cầu thang cũng lát bằng đá hoa cương. Tất cả các tường và cột ốp bằng đá cẩm thạch. Riêng tường chính tiền sảnh ốp đá hoa cương vân đỏ hồng tươi, làm nền cho dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và chữ ký của Bác được mạ vàng rực rỡ.
Phòng Bác nằm, ốp bằng đá cẩm thạch Hà Tây, những viên đá có hình chữ nhật xếp thẳng đứng kế tiếp nhau nối từ chân tường đến đỉnh trần làm ta liên tưởng tới những thanh gỗ lát nhà sàn của Bác. Hai lá cờ: cờ Đảng và cờ Tổ quốc được ghép bằng 4.000 miếng đá hồng ngọc của Thanh Hóa, Búa Liềm và sao năm cánh ghép bằng đá cẩm vân vàng sáng.
200 bộ cửa được các nghệ nhân mộc Nam Hà, Hà Bắc, Nghệ An đóng với kỹ xảo điêu luyện.
Từ mọi miền đất nước, nhân dân đóng góp những vật liệu đặc sản của địa phương mình cho công trình: Ximăng của Nhà máy Ximăng Hải Phòng; đá dăm ở khu vực Thác Bà, Xuân Hòa; Cát vàng Kim Bôi, Hòa Bình; gỗ của miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên…
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình có nhiều hệ thống máy móc hiện đại nhằm giữ gìn nguyên vẹn lâu dài thi hài Bác.
Từ tháng 9/1973, một đoàn cán bộ kỹ thuật điện, cấp thoát nước, thông hơi, điều hòa, cơ khí sang Liên Xô tham gia thiết kế thi công phần lắp và nắm trước thiết kế, nắm trước các biện pháp thi công.
Tháng 3/1974, bản thiết kế thi công điện, nước hoàn thành, và tới tháng 4, phần thiết kế thi công thông hơi, điều hòa kết thúc.
Cuối tháng 12/1974, cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên công trường đã cơ bản hoàn thành lắp hệ mạng của hệ kỹ thuật.
Hệ trung tâm điều hòa không khí được coi như lá phổi của công trình, do Liên Xô thiết kế và đặt hàng cho một số nước khác sản xuất. Có tất cả 17 hệ thông hơi, điều hòa, 4 hệ điều hòa trung tâm nặng 160 tấn rất hiện đại. Hỗ trợ cho hệ điều hòa trung tâm còn có các bộ làm lạnh cục bộ, các bộ sấy cục bộ, các máy điều hoà treo, ngoài ra còn có 620 thiết bị lẻ như tiêu âm, van gió, môtơ, lưới hút, thổi… Và một nhà máy lạnh có sáu cụm máy lạnh với tổng công suất hơn 2,5 triệu kilô calo/giờ.
Lăng có 3 hệ thống cấp và thoát nước với 5 bình chứa nước dung tích từ 10 đến 50m3, gần 50 máy bơm các loại, hơn 450 van khóa và 5.000mét ống nước.
Đặc biệt, các máy móc ở đây được thiết kế khá độc đáo, yêu cầu lắp ráp với độ chính xác cao. Trong các loại máy móc thiết bị tinh vi quan trọng có thiết bị quan tài. Thiết bị này do các chuyên gia lắp. Quan tài trong suốt và kín. Máy móc nâng hạ quan tài cũng theo nguyên lý chuyển động chính xác đặc biệt. 20 loại đèn nhiều tia, có màu khúc xạ bởi nhiều bộ lăng kính và hệ thoát nhiệt. Trình độ công nghệ và trình độ khoa học ở thiết bị này rất cao.
Cùng với việc thiết kế, xây dựng Lăng Bác là việc thiết kế, cải tạo xây dựng lại Quảng trường Ba Đình. Quảng trường Ba Đình, vườn hoa tiếp giáp và Lăng Bác là một quần thể kiến trúc thống nhất. Tổng diện tích cải tạo và xây dựng là 14ha. Quảng trường ở phía trước Lăng có diện tích 20.000m2, chia thành 176 ô vuông trồng cỏ (từ ngày 14/3 đến 17/7/2000 vừa qua đã tôn tạo lại thảm cỏ với hệ thống tưới phun tự động), giữa có lối đi rộng 1,4 mét. Xung quanh Quảng trường là hè rộng 7 mét và 4 mét lát bằng tấm bêtông cốt thép sỏi nổi trang trí. Tổng diện tích lát hè 7.800m2. Dưới mặt đất là hệ thống tiêu thoát nước. Nước được thu dần về hai trạm bơm đặt ngầm dưới mặt đất.
Đường Hùng Vương, đi qua trước Lăng làm bằng bêtông cốt thép, dài 1.060 mét, riêng đoạn trước Lăng rộng 60 mét. Đường Bắc Sơn dài 280 mét, rộng 60 mét, chia làm hai làn, ở giữa là dải phân cách rộng 12 mét làm vườn hoa. Đường Ba Đình dài 400 mét, rộng 18 mét. Ngoài ra còn có đường xung quanh Lăng gồm các đoạn ra vào vườn hoa hai bên và phía sau Lăng…
Để Quảng trường được khô ráo nhưng vẫn bảo đảm cho hàng trăm thứ cây cảnh có thể sống tốt tươi, một hệ thống ống cống bằng bê tông cốt thép đã được đặt ngầm dưới các hè dọc đường với tổng chiều dài 4.200 mét. Dưới các ô vuông cỏ của Quảng trường có các tầng lọc nước, mạng ống và mương ngầm. Hệ thống cấp nước được bố trí trên các khu vực Quảng trường sau Lăng và đường Bắc Sơn.
Quảng trường sử dụng các đèn thủy ngân cao áp đặt trên các cột cao.
Quảng trường còn có một hệ thống thông tin, truyền thanh, truyền hình. Các công trình này sẽ đảm bảo thông tin liên lạc, truyền thanh, thu thanh và thu phát hình tại chỗ.
Công trình cây xanh, cây cảnh và vườn hoa làm tôn vẻ đẹp và tạo ra không khí trong lành cho toàn bộ khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình. Với tấm lòng kính yêu Bác vô hạn, các địa phương trên mọi miền đất nước đã gửi về Thủ đô những cây xanh, những loại hoa tiêu biểu cho vùng đất của mình./.
Theo TTXVN